HỎI ĐÁP NHANH VỀ ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN TẠI ĐHQGHN (FAQS)
Danh mục câu hỏi thường gặp:
- Em phải vào đâu để học môn học này?
- Em không nhớ/không biết mật khẩu đăng nhập thì làm thế nào?
- Nếu em không vào học đúng tiến độ từ tuần/bài học đầu tiên có sao không?
- Em phải vào đâu để nhận thông tin và các trợ giúp khác của lớp học?
- Học online là em phải tự học một mình phải không ạ?
- Nếu em không tương tác, thảo luận trên lớp có sao không?
- Không có các thầy cô, em sẽ nghe giảng như thế nào?
- Không ở trên giảng đường, em sẽ tham gia hoạt động học tập như thế nào?
- Học online, em sẽ mượn giáo trình, bài đọc, tài liệu tham khảo ở đâu?
- Việc kiểm tra, đánh giá học tập sẽ như thế nào?
- Nếu muốn học trên các thiết bị di động, em phải làm thế nào?
- Các thầy cô giáo dạy chúng em là ai?
1. Em phải vào đâu để học môn học này?
Em cần đăng nhập vào hệ thống VNU LMS (http://lms.vnu.edu.vn) bằng tài khoản đã được cấp và bắt đầu học tập. Hãy xem kỹ video hướng dẫn học tập tại địa
chỉ:
2. Em không nhớ/không biết mật khẩu đăng nhập thì làm thế nào?
Em cần đăng nhập vào Cổng thông tin đào tạo (tại địa chỉ: https://daotao.vnu.edu.vn/dkmh/login.asp ) và lấy mật khẩu truy cập LMS tại mục “Tài khoản truy cập Email”. Tên truy cập và mật khẩu vào hòm thư ĐHQGHN cũng như VNU LMS được hiển thị tại đây!
Ngoài ra, nếu bị mất tài khoản/mật khẩu, các em xem hướng dẫn ở link sau đây: >>Link tài liệu hướng dẫn<<
3. Nếu em không vào học đúng tiến độ từ tuần/bài học đầu tiên có sao không?
Xuất phát từ đặc thù của đào tạo trực tuyến, để đảm bảo tiến độ học tập cho chính em và cả lớp, lớp học của chúng ta quy định em cần hoàn thành các yêu cầu và nội dung của bài học trước để được truy cập và học bài học kế tiếp. Do đó, nếu em không đảm bảo được đúng tiến độ từ bài học, tuần học đầu tiên, em có nguy cơ bị lỡ các bài học kế tiếp.
Hơn nữa, cần lưu ý là bài kiểm tra giữa kỳ sẽ được thực hiện vào tuần 10, sau khi các em học xong các bài 1, 2, 3, 4. Đến thời điểm đó, nếu em chưa hoàn thành các bài học tương ứng, em không thể thực hiện được bài kiểm tra giữa kỳ.
Hãy tận dụng sự linh hoạt, tiện dụng của học tập trực tuyến để đảm bảo tiến độ học tập em nhé!
4. Em phải vào đâu để nhận thông tin và các trợ giúp khác của lớp học?
- Em hãy nêu câu hỏi và thắc mắc vào diễn đàn (mục Thảo luận) của lớp học
- Em hãy truy cập kênh Zalo lớp học và tham gia nhóm Facebook. Thông tin về nhóm Zalo và đường dẫn nhóm Facebook có trong mục KÊNH KẾT NỐI VÀ HỖ TRỢ HỌC TẬP trong phần THÔNG TIN VỀ HỌC PHẦN trên cây nội dung của lớp học.
- Nếu gặp khó khăn gì về vấn đề truy cập hệ thống LMS, có thể nêu câu hỏi trong chatbox "Hỏi đáp sử dụng hệ thống VNU LMS" trên nhóm Facebook của lớp học.
5. Học online là em phải tự học một mình phải không ạ?
Không, các lớp đều có giảng viên được phân công phụ trách và hỗ trợ sinh viên. Các thầy cô sẽ đồng hành, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các em về các vấn đề chuyên môn và phương pháp học tập, giúp các em học tập một cách hiệu quả. Các em có thể nêu yêu cầu trợ giúp, tư vấn qua các kênh như Diễn đàn trên VNU LMS, Zoom, Zalo, Facebook, email của thầy cô và thậm chí có thể trực tiếp gặp thầy cô (nếu thầy cô thu xếp được).
Bên cạnh đó, trong học kỳ, các thầy cô sẽ tổ chức tối thiểu 03 buổi làm việc trực tiếp với sinh viên theo hình thức trực tuyến (qua Zoom/MS Teams/Google Meet) hoặc trực tiếp trên giảng đường (tùy theo điều kiện có thể) để trao đổi, thảo luận vấn đề chuyên môn hoặc hướng dẫn, hỗ trợ các em học tập hiệu quả.
Hằng ngày, các em có thể trao đổi, thảo luận cùng thầy cô về các vấn đề chuyên môn thông qua diễn đàn lớp học. Các thầy cô sẽ gửi phản hồi tới các em trong vòng 48h kể từ khi các em nêu vấn đề/câu hỏi. Hãy nhớ, sự tích cực tương tác của các em trên diễn đàn và các hoạt động học tập cũng là chỉ báo quan trọng để các thầy cô cho điểm chuyên cần đối với các em. Những thảo luận, bình luận có tính xây dựng, tích cực, sáng tạo sẽ được các thầy cô gắn sao như một sự ghi nhận.
6. Nếu em không tương tác, thảo luận trên lớp có sao không?
Việc tương tác, thảo luận trên lớp học vừa giúp em nắm rõ bài học hơn, vừa nhận được nhiều sự trợ giúp của thầy cô, bè em hơn. Hơn nữa, đây còn là một tiêu chí quan trọng để thầy cô đánh giá mức độ chuyên cần của em khi tham gia lớp học. Như vậy, nếu không tương tác, thảo luận, các em vừa bị thiệt thòi về mặt tiếp nhận tri thức, vừa có thể không đạt được kết quả tốt đối với hình thức đánh giá chuyên cần.
7. Không có các thầy cô, em sẽ nghe giảng như thế nào?
Toàn bộ các bài giảng đã được thầy cô giảng và ghi hình, phân thành các đoạn video ngắn để các em dễ theo dõi và tiếp thu. Các em cần chủ động nghe giảng từ các video này (và tất nhiên có thể nghe lại nhiều lần, ở bất kỳ đâu và bất kỳ thời điểm nào). Nếu chỗ nào chưa hiểu, các em có thể đặt câu hỏi ngay phía dưới mỗi video (phần Thảo luận), các thầy cô sẽ trao đổi và giải thích thêm cho các em.
8. Không ở trên giảng đường, em sẽ tham gia các hoạt động học tập như thế nào?
Các thầy cô đã thiết kế hoạt động học tập một cách linh hoạt, đa dạng, đảm bảo giúp các em thực hiện các yêu cầu khác nhau về chuẩn đầu ra (kiến thức, kỹ năng, thái độ) của học phần. Hãy nhớ thực hiện đầy đủ các hoạt động này nhé, bởi đó là cách em ghi nhớ, phân tích, áp dụng, đánh giá các vấn đề chuyên môn.
Ngoài hoạt động thảo luận/xử lý vấn đề chuyên môn, ở mỗi bài học, hoạt động học tập còn có cả nội dung yêu cầu các em tự tổng kết (reflection) dưới dạng từ khóa và diễn giải ngắn gọn. Các em cần thực hiện cả hoạt động này để được đánh giá chuyên cần nhé.
9. Học online, em sẽ mượn giáo trình, bài đọc, tài liệu tham khảo ở đâu?
Các em yên tâm, toàn bộ học liệu học tập của môn học là học liệu số, có thể đọc trực tiếp trên máy tính hoặc thiết bị di động. Các tài liệu này được các thầy cô chọn lọc kỹ càng, đảm bảo mức độ phong phú, đa dạng và phù hợp với học phần. Ngoài giáo trình điện tử chính thức (xem ở menu Tài liệu Bookworm), ngay trong mỗi bài học, các thầy cô cũng có nguồn học liệu riêng, phù hợp với nội dung của bài học đó.
Ngoài ra, các em hãy nhớ cài đặt phần mềm VNU LIC (trên các appstore), hay còn gọi là ứng dụng Bookworm, để có thể truy cập vào giáo trình điện tử tại mục “TÀI LIỆU BOOKWORM” trên thanh menu nhé.
10. Việc kiểm tra, đánh giá học tập sẽ như thế nào?
Ngoài các hoạt động học tập, cuối mỗi bài học sẽ có một bài trắc nghiệm ngắn để các em củng cố và ghi nhớ kiến thức. Các em cần chú ý, để được truy cập vào nội dung bài học kế tiếp, các em cần làm bài kiểm tra này cẩn thận và đạt kết quả theo yêu cầu của bài tập đó nhé. Về cơ bản, học phần sẽ gồm 3 hình thức đánh giá chính:
- Đánh giá chuyên cần: thông qua sự chuyên cần của các em trong việc thực hiện các hoạt động học tập, tương tác trên diễn đàn lớp học, và các yêu cầu khác của giảng viên.
- Đánh giá giữa kỳ: được thực hiện sau khi học hết 10 tuần với hình thức làm bài trắc nghiệm trên máy tính.
- Thi kết thúc học phần: sẽ được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính tại Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, các thầy cô sẽ thông báo lịch thi cụ thể với các em!
11. Nếu muốn học trên các thiết bị di động, em phải làm thế nào?
Các em có thể cài đặt ứng dụng VNU LMS trên các thiết bị di động để có thể học bất kỳ khi nào, bất kỳ ở đâu. Hãy truy cập vào mục “Hướng dẫn cài đặt phần mềm và khai thác học liệu” trên cây nội dung lớp học để xem hướng dẫn cài đặt nhé.
12. Các thầy cô giáo dạy chúng em là ai?
Toàn bộ nội dung của học phần (video bài giảng, hoạt động học tập, hoạt động đánh giá, danh mục tài liệu tham khảo, giáo trình …) do các thầy cô giáo của Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội biên soạn và chuẩn bị. Phối hợp xây dựng học phần là các thầy cô đến từ Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐHQGHN.
Ở mỗi lớp học, Trường Đại học Luật sẽ phân công ít nhất 01 thầy cô đồng hành cùng các em, đảm bảo mọi phản hồi về chuyên môn và yêu cầu trợ giúp trong học tập của các em luôn được lắng nghe và giải quyết thấu đáo. Bên cạnh đó, các thầy cô tại Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục cũng sẽ đồng hành, hỗ trợ các em giải quyết những khó khăn liên quan đến vấn đề công nghệ, kỹ thuật khi học tập trên hệ thống VNU LMS.